Tham nhũng quyền lực thời Tô Lâm còn kinh khủng hơn thời Nguyễn Phú Trọng!

Tham nhũng ở các quốc gia khác trên thế giới khá đơn giản, chỉ là rút rỉa ngân sách một cách lén lút, là vòi vĩnh dân và vòi vĩnh doanh nghiệp một cách kín đáo. Ở các nước, tham nhũng lên đến trăm ngàn đô đã là tham nhũng nguy hiểm, nhưng ở Việt Nam, vài trăm ngàn đô chỉ là tham nhũng “vặt”. Có những vụ tham nhũng lên đến hàng trăm triệu đô, mà luật pháp cũng không thể sờ đến gáy quan tham.

Kinh khủng hơn, tham nhũng chính sách là hình thức phổ biến ở Việt Nam. Các quan lớn không cần phải vòi vĩnh tiền dân hay doanh nghiệp, bởi cách làm này dễ lộ và số tiền kiếm được rất ít. Thường chỉ có quan địa phương mới ăn những miếng ăn nhỏ như thế. Còn quan chức cấp cao, những người có thể làm chính sách, thì có cách kiếm nhiều tiền hơn và dễ hơn rất nhiều.

Hình thức lập sân sau để cướp lấy lợi thế kinh doanh nhờ làm chính sách, là biện pháp tham nhũng phổ biến nhất hiện nay. Ở cấp Trung ương, không một quan chức nào không có sân sau, để nhận lấy lợi ích từ chính sách do họ tạo ra. Hầu hết, những doanh nghiệp này đều lớn rất nhanh, mà không cần nỗ lực nhiều. Họ hoạt động như những doanh nghiệp chân chính, cho đến khi bị đánh phá và lòi “đuôi cáo” ra. Vương Đình Huệ có Tập đoàn Thuận An, Võ Văn Thưởng có Tập đoàn Phúc Sơn, Tô Lâm có Tập đoàn Xuân Cầu vv…

Ở tầng cao hơn là tham nhũng quyền lực. Người có khả năng tham nhũng quyền lực, là người có quyền lực gần như tuyệt đối, như ông Tô Lâm hiện nay và ông Nguyễn Phú Trọng trước đây.

Cả 3 nhiệm kỳ của ông Trọng đều chỉ lo đánh nhau với đối thủ chính trị, để thâu tóm quyền lực. Khi đã có quyền lực trong tay, ông đánh thành phần ngoài hệ sinh thái quyền lực của ông, để mị dân rằng, ông là người “liêm khiết”. Thành phần không thần phục ông yếu đi, đồng nghĩa với việc thành phần dưới trướng của ông mạnh lên, và lộng hành hơn. Và từ bên dưới cái ô dù vững chắc của ông, rất nhiều kẻ tham nhũng chính sách tha hồ vơ vét.

Điển hình là vụ án Mobifone mua AVG, ông Tô Lâm lúc đó đứng trước nguy cơ bị moi ra sai phạm, cùng với ông Trương Minh Tuấn và ông Nguyễn Bắc Son. Tuy nhiên, nhờ có ông Trọng chiếu cố, ông Tô Lâm có thể phù phép cho mình đứng ngoài cuộc, bằng cách dấu mật đóng vào hồ sơ. Có ý kiến đánh giá, với chức Thứ trưởng, ông Tô Lâm không đủ quyền lực để tự che chở cho mình, trước một vụ án lớn có thể thổi bay 2 bộ trưởng. Cho nên, trong vụ án này, chắc chắn, ông thoát được là nhờ đứng dưới một cái ô lớn.

Nhờ được quyền lực tuyệt đối bên trên che chở, các đối tượng làm chính sách trục lợi sẽ táo tợn hơn, lộng quyền hơn và bất chấp hơn. Có thể nói, tham nhũng quyền lực là loại tham nhũng mẹ, còn tham nhũng chính sách chỉ là con cháu.

Nay, nhờ cái ô quyền lực của Tô Lâm, Bộ Công an cũng đang tham nhũng bằng chính sách “đèn đỏ”, gây khốn đốn xã hội, gây hoang mang trong dân chúng, và gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế đất nước. Đối tượng hưởng lợi duy nhất là công an.

Chưa hết, dưới trướng quyền lực của Tô Lâm, Công ty Xuân Cầu hoạt động như là “vua” trong giới doanh nghiệp, được hưởng nhiều lợi ích do quyền lực chính trị mang lại.

Cũng dưới trướng quyền lực của Tô Lâm, ông Lương Tam Quang đâu chỉ tham nhũng nhờ “đèn đỏ”, mà còn có thể kiếm chác nhờ những dự án ngàn tỷ, như nhà hát hay sân bay riêng của Bộ Công an. Đấy là chưa nói đến những lợi ích to lớn trong việc kiếm tiền từ những người chạy giữ ghế, do chính sách tinh giản của Tô Lâm gây nên…

Mới lên nắm quyền chỉ có nửa năm, mà Tô Lâm đã tạo ra một xã hội ngột ngạt, náo loạn và hoang mang. So với ông Trọng, Tô Lâm dùng quyền lực tạo ra nhiều chính sách trục lợi hơn.

Thời Tô Lâm cầm quyền, hứa hẹn một giai đoạn khốn khổ cho nhân dân.

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de